Nỗi niềm trên những chuyến tàu Tết
Tết đến, Xuân về, ai cũng náo nức. Nhưng để có giây phút xum họp, ai cũng phải đi qua một chặng đường dài để về với quê hương, với người thân. Tàu hỏa là phương tiện được nhiều người lựa chọn trong những ngày Tết, bởi sự thuận tiện và an toàn hơn cả.
Nhiều người thường kêu ca, phàn nàn mỗi khi xếp hàng để mua được tấm vé tàu vào những dịp tết, ngày hè, nhưng ít người biết rằng, một năm có 12 tháng thì có tới 8 tháng mùa thấp điểm. Đó là những tháng mà tàu chủ yếu chạy rỗng (không có khách, cho dù giảm giá tởi 50%), rơi vào các tháng sau tết, sau hè. Những khi ấy, nhân viên trên tàu buồn vui thế nào, ít người nhắc tới.
Những chuyến tàu đêm 30 Tết còn có nhiều điều khác lạ, nhân viên trên tàu và cả hành khách đều bâng khuâng. Giây phút đón Giao thừa trên tàu thật khó diễn tả thành lời. Người cười, người khóc trong cái lắc lư của con tàu xé tan màn đêm.
Đã thành thông lệ, trước đó, lãnh đạo đơn vị đã chuẩn bị chu đáo từ rượu, bánh chưng, đến cả phong bao lì xì năm mới cho hành khách. Những lời chúc tụng vang lên nhưng cũng khó xua tan được nỗi buồn khi phải xa người thân trong gia đình. Hành khách sốt ruột chưa về được quê hương, nhân viên nhà tàu, quanh năm xa nhà, năm cùng tháng tận cũng vẫn xa nhà. Nỗi nhớ, niềm thương có ai thấu hiểu…
Trần Xuân Hùng, một trưởng tàu lâu năm trong ngành cho biết, hơn 20 năm đi tàu, những cái tết xum vậy cùng vợ con, đếm chưa hết năm ngón trên một bàn tay. Tổ tàu của anh là tổ có đẳng cấp cao nhất trên tuyến Bắc- nam nên thường có duyên đi trên những chuyến tàu xuyên giữa hai năm cũ và năm mới.
Đêm 30 trên tàu, tâm trạng ai cũng bồi hồi, thấp thỏm, mong ngóng tàu sớm về ga cuối cùng. Đêm cuối năm, thời gian, không gian dường như dài thêm. Cũng thịt mỡ dưa hành, bánh chưng xanh mà sao ai cũng thất nghẹn lòng, ai cũng sốt ruột. Thế mới biết, giây phút đoàn tụ quý biết nhường nào, giây phút đoàn tụ năm mới lại càng thiêng liêng.
Ông Huỳnh Cường, Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng Toa xe khách Hà Nội cho biết, đã thành thông lệ, từ khi nhận chức giám đốc, chiều 30 và cả đêm 30 năm nào cũng vậy, ông lo lắng, thao thức ngoài ga cùng anh em. Chỉ đến khi tiễn chuyến tàu cuối cùng lúc 23 giờ đêm mới trở về nhà.
Nhưng tình hình trên tàu lúc giao thừa trên các tuyến thế nào khiến ông cũng phải ngóng theo. Trên mỗi chuyến tàu có bao nhiều khách, chuẩn bị cho hành khách và nhân viên đón giao thừa chu đáo, không để hành khách nào nhỡ tàu trong đêm 30 dù đã được chuẩn bị chu đáo, nhưng không thể không lo. Và vì thế, những ngày nghỉ tết với người đường sắt dường như cũng ngắn hơn. Bởi trước tết thì lo đưa hành khách về quê, sau tết thì đưa hành khách trở lại cơ quan công sở.
Thường thì nhân viên ngành Đường sắt nghỉ bù sau tết, mọi kế hoạch hội họp, tổng kết đều diễn ra vào mùa thấp điểm, tức là tháng 3-4 và tháng 9-12, đó là những mùa hành khách đi tàu không cao. Nếu gia đình không thông cảm, khó gắn bó lâu dài với nghề, chị Minh, một nhân viên lớn tuổi có thâm niên trong nghề cao tâm sự. Cũng không ít gia đình nhà tàu tan tác vì không chịu nổi cảnh chia ly, sa ngã.
Nhà báo, thường thích những chuyến đi, nhất là chuyến tàu đêm 30. Nhưng cũng không nhiều người dám hy sinh giây phút quý giá nhất trong năm để đi tàu. Nhưng nếu đã đi thì sẽ thấy sự thú vị thấy cảm xúc của chính mình mà sao khác lạ. Tiếng hú của con tàu mỗi khi vào ga, rời ga trong đêm đông se lạnh, hai bên đường loang loáng bóng người và xe cộ lùi dần phía sau. Đoàn tàu vẫn lao đi trong màn đêm.
Bao giờ hành khách mới mua vé tàu được thuận tiện như máy bay, câu hỏi cho đến tết năm Giáp Ngọ 2014 vẫn chưa có câu trả lời. Nghe nói ĐSVN mới liên doanh với hai nhà mạng là FPT và VNPT để cho ra đời phiên bản bán vé ở mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên đó vẫn còn là mơ ước, chưa biết đến khi nào mới trở thành hiện thực.
Tết năm nay, hành khách vẫn mua vé khó như mọi khi. Vẫn phải xếp hàng lấy số thứ tự qua tin nhắn, rồi lại ra ga ngồi chờ lấy vé. Những ngày cao điểm áp tết vé đã khó càng khó hơn, vì tàu xe có hạn, đường độc đạo, tàu này chạy thì tàu kia dừng.
Thôi thì, đất nước còn nghèo, cơ sở hạ tầng đường sắt lạc hậu, đầu máy toa xe có hạn, hành khách đi tàu phải chấp nhận, dù sao thì nó cũng còn an toàn hơn đi máy bay và ô tô đường dài. Người đi tàu mua được vé tàu tết đã là may mắn và hạnh phúc, nhân viên nhà tàu khổ quanh năm vẫn khổ mỗi khi tết đến xuân về. Âu cũng là nghề, yêu nghề nên phải gắng vượt qua.
Qua cửa sổ con tàu, trăng dường như đã lên cao, không khí lạnh phương Bắc dường như đã bỏ lại phía sau đèo Hải Vân, nắng vàng phương Nam sắp hiện ra… Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi, con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui… bài hát đã xóa đi không khí đậm đặc nhớ thương bâng khuâng trong đêm giao thừa. Con tàu đi giữa hai năm vẫn băng băng trong màn đêm…
http://giaothongvantai.com.vn/