Đường sắt đã thay đổi
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tổng công ty Đường sắt VN sáng 05/01/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng biểu dương những nỗ lực, cố gắng hết mình của tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên ngành Đường sắt.
Bộ trưởng cho biết, thành quả chung của ngành GTVT đạt được trong năm qua có đóng góp không nhỏ của ngành Đường sắt. Trong bối cảnh nguồn vốn cho đường sắt rất ít, nhưng ngành tự đổi mới, quyết liệt tái cơ cấu, thắt lưng buộc bụng, kêu gọi đầu tư hệ thống mái che ke ga, lắp đặt thiết bị vệ sinh tự hoại trên tàu, hệ thống bán vé tàu điện tử hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, chất lượng phục vụ trên tàu, dưới ga đã được cải thiện rõ rệt, nhận được nhiều lời khen của nhân dân.
“Có một câu chúng ta vẫn hay hỏi liệu đường sắt có thay đổi được không sau hơn 100 năm? Thực tế thời gian vừa qua, tôi có thể khẳng định đường sắt thay đổi được. Kết quả đổi mới của đường sắt vừa qua được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Bộ GTVT rất tự hào”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng Đinh La Thăng nhấn mạnh, đường sắt không thể tự mãn và bằng lòng với những gì đã đạt được. Không chỉ riêng đường sắt, mà toàn ngành GTVT cũng không bằng lòng với những gì đã đạt được trong thời gian qua, cần cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa vì sự hài lòng của người dân.
Công ty vận tải đường sắt lãi 10 tỷ là quá ít
Dư địa để cố gắng còn rất lớn. Các công ty vận tải đường sắt là chủ lực nhưng lãi chỉ 5 tỷ trong năm 2015, năm 2016 phấn đấu lên 10 tỷ là quá ít, làm sao có thể cạnh tranh được? Vé tàu hỏa vẫn cao hơn máy bay thì ai đi đường sắt -Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Lấy ví dụ ngành Hàng không, Bộ trưởng cho biết, Vietnam Airlines khi tái cơ cấu và cổ phần hóa, số lao động là 11 nghìn người. Đến nay số lượng máy bay tăng gấp đôi, doanh thu tăng, nhưng người bắt đầu giảm. Đầu năm nay giảm còn hơn 6.000 người. VNA không đuổi người lao động ra đường mà tách thành bộ phận riêng. Như thế mới có thể tăng lương cho phi công, sửa chữa và các bộ phận chủ lực. Trong khi đó đường sắt vẫn duy trì số lao động lớn, lương thấp là đương nhiên.
Phải triệt tiêu nguyên nhân gây tai nạn đường sắt
Về TNGT, trong khi cả nước 5 năm liên tục giảm TNGT cả ba tiêu chí thì đường sắt lại tăng cao. Năm 2015 tăng 58%, số người chết tăng 75 người (tăng 54%). Đường sắt có thuận tiện, tiến bộ, thân thiện hơn nhưng sự an toàn và hiệu quả chưa cao. Đây là trách nhiệm với người dân, không thể thờ ơ vô cảm trước TNGT. Dù TNGT có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, nhưng nếu ta làm tốt thì các nguyên nhân sẽ bị triệt tiêu.
“Chúng ta sao có thể an lòng với những con số như thế trong khi các lĩnh vực khác tăng trưởng. Hàng không tăng trưởng 22% trong năm 2015. Tôi vui vì có kết quả nhưng cũng rất lo. Chúng ta vẫn hài lòng với công việc đang làm thì hết động lực để phát triển. Làm sao ngành GTVT hài lòng với chỉ số thăng hạng 36 bậc trong khi chúng ta xếp hạng thứ 67. Làm sao hài lòng được khi vẫn còn hàng nghìn người chết vì TNGT mỗi năm. Nếu ta hài lòng sẽ không còn động lực phấn đấu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị VNR cần phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan khẩn trương sửa đổi và trình Quốc hội Luật Đường sắt sửa đổi, chuẩn bị các nghị định và thông tư hướng dẫn để thúc đẩy thị trường đường sắt.
Phải thực hiện ngay Chiến lược và Quy hoạch phát triển GTVT, trong đó hiện đại ngay hệ thống đường sắt bằng các mục tiêu, giải pháp, con người, hạ tầng... Phải rõ trách nhiệm của Cục Đường sắt, của VNR và các đơn vị chức năng khác. Không thể chung chung mãi được. Ví dụ về tốc độ tàu, chỗ nào chạy bao nhiêu km/h phải rõ ràng, cụ thể.
Bộ trưởng chỉ đạo ngay tại hội nghị, yêu cầu VNR phối hợp với Bộ để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt đôi, khổ 1435 mm, trước mắt chạy chung tàu hàng, lựa chọn đoạn ưu tiên như Hà Nội - Vinh, TP. Hồ Chí Minh –Nha Trang, Hà Nội – Hải Phòng - Hạ Long... Một đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể để đường sắt mãi như hiện nay.Đất nước hiện đại hóa không thể để đường sắt mãi như hiện nay
VNR cần khẩn trương chuyển các công ty sang cổ phần, đưa tiêu chí để thay đổi bản chất quản trị. Quan trọng là tạo cơ chế chính sách để tạo hài lòng hơn trong người dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cổ phần hóa để phục vụ tốt hơn người dân chứ không phải để thu tiền. Phải thay đổi thực sự tư duy, mà trước hết là từ người đứng đầu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu cần đẩy mạnh xã hội hóa. Phải làm quyết liệt hơn, chọn tuyến đường hiệu quả để kêu gọi xã hội hóa. Nếu cứ trông chờ vào vốn nhà nước thì làm sao hiện đại được hệ thống bán vé tàu, làm sao hiện đại được nhà ga.... Tổng công ty cần đẩy nhanh tốc độ đầu tư hạ tầng, kết nối đường sắt với các phương thức vận tải.