Từ ngày 1/9, ngành Đường sắt chính thức bán vé tàu điện tử, hành khách có thể tự in vé tàu mọi lúc, mọi nơi và tra tìm, in hóa đơn điện tử. Theo số liệu thống kê, tính đến 10h17 sáng 3/9, số vé bán tại cửa vé theo hình thức mới lên tới 56.500 vé.
Công nghệ mới thuận lợi cho hành khách
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại ga Hà Nội, việc triển khai bán vé điện tử trong những ngày đầu tiên diễn ra khá suôn sẻ. Nhiều hành khách cảm thấy thú vị xen lẫn bỡ ngỡ khi lần đầu tiên sử dụng công nghệ bán vé mới của ngành Đường sắt. Đa phần hành khách nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của thư ký bán vé về hình thức mua vé mới và cách lấy hóa đơn điện tử.
Chia sẻ với Báo Giao thông, bạn Trần Đức Thắng, sinh viên Trường Đại học Bách khoa thường xuyên đi tàu phấn khởi: “Hình thức bán vé mới rất thuận lợi, không phải ra ga mất thời gian chờ đợi in vé như trước. Như sinh viên chúng em không có máy in ở nhà thì lưu mã vé trên điện thoại, khi ra tàu, nhân viên họ kiểm tra. Việc kiểm tra vé bằng mã code, lại in đầy đủ họ tên, số chứng minh thư nhân dân trên Thẻ lên tàu hỏa tránh được vé giả, hạn chế cò vé”.
Cùng tâm trạng trên, anh Trần Văn Vịnh, công tác trong ngành thủy lợi chia sẻ: “Lúc đầu, tôi không hiểu về hình thức bán vé này lắm. Nhưng khi được nhân viên toa xe thông tin rõ hơn, vé tàu điện tử mới cũng như những thuận lợi mà hình thức này mang lại cho hành khách nên rất hài lòng. Tới đây, ngành Đường sắt cần đẩy mạnh thông tin rộng rãi đến người dân vì hình thức này mới mẻ quá”.
|
Với việc bán vé tàu điện tử, hành khách có thể tự in vé tại nhà - Ảnh: Ngô Vinh |
Hành khách không lo mất vé khi chuyển đổi
Qua trao đổi với một số hành khách mua vé và thư ký bán vé cho thấy, vẫn còn một số vướng mắc, băn khoăn như: Không mua được vé online; không xuất được hóa đơn; nếu mua vé, thanh toán online rồi thì dùng vé mới hay vé cũ…
“Ngành Đường sắt bán vé theo hình thức này chắc chắn sẽ hạn chế được vé giả. Hành khách mua vé rồi, chẳng may làm hỏng, làm mất Thẻ lên tàu cũng không lo, vẫn có thể in lại để đi tàu. Hóa đơn được lưu rồi nên vẫn thanh toán được. Tuy nhiên, việc kiểm soát vé bằng mã code cần thật chặt chẽ, nghiêm túc cả dưới ga lẫn trên tàu sẽ hạn chế được nhiều hành khách đi lậu vé”.
Anh Lê Cường,
công tác tại Sở VHTT&DL TP Hà Nội
“Khi bán vé cho hành khách tại ga, ngành Đường sắt cần linh hoạt hơn. Nếu hành khách không biết hoặc quên cầm theo giấy tờ tùy thân chỉ cần cung cấp số chứng minh hay số giấy tờ hợp pháp khác. Hành khách cung cấp sai thông tin sẽ tự chịu trách nhiệm, không được lên tàu”.
Bà Mai Lan,
cán bộ ngành Giáo dục đã nghỉ hưu
|
Trước những vướng mắc trên, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, ngày đầu tiên bán vé cũng là ngày chính thức dừng hệ thống giai đoạn I, tích hợp và kết nối toàn bộ hệ thống bán vé điện tử giai đoạn II. “Đây là một bước chuyển đổi lớn về kỹ thuật trong khi chỉ có vài tiếng đồng hồ nên không tránh khỏi một vài vướng mắc về kỹ thuật, nhất là về kết nối dẫn đến có lúc việc bán vé, kiểm soát vé bằng thiết bị soát vé cầm tay còn chậm… Tuy nhiên, tất cả việc này đến nay đều đã được các bên liên quan khắc phục kịp thời”, ông Hoạch nói.
Việc chuyển đổi hệ thống được thực hiện từng phần nên trong thời gian từ 7h sáng đến trước 11h, trang web đặt chỗ tạm thời dừng hoạt động, việc in vé được thực hiện tại các ga. Đến chiều 1/9, trang web đặt chỗ chính thức hoạt động trở lại và hành khách đã có thể mua vé trực tuyến và tự in vé tại nhà nếu thanh toán online. Về vướng mắc một số vé bán chưa xuất được hóa đơn, Tổng công ty Đường sắt VN cùng các đối tác FPT và VNPT đã nhanh chóng khắc phục. Vì vậy, đến 18h ngày 1/9, các vé này đã xuất được hóa đơn bình thường.
Với lượng vé hành khách đã mua online nhưng chưa ra ga in vé trước ngày 1/9, Tổng công ty Đường sắt VN đã cho in toàn bộ số vé này theo hình thức vé giấy trước đây để khi hành khách ra ga có vé ngay và vẫn sử dụng đi tàu bình thường. Tấm vé này vẫn bao gồm hóa đơn giá trị gia tăng, có giá trị thanh toán.
Ngoài ra, với những hành khách đã đặt chỗ trực tuyến trước ngày 1/9 mà chưa thanh toán; từ ngày 1/9 khi ra ga thanh toán, lấy vé, thư ký bán vé sẽ in Thẻ lên tàu hỏa để sử dụng đi tàu. Nếu hành khách có nhu cầu lấy hóa đơn, hành khách thông báo cho thư ký bán vé biết để khởi tạo hóa đơn cho hành khách trước khi in vé.
In hóa đơn mọi nơi, mọi lúc
Việc sử dụng hóa đơn điện tử hiện nay rất mới nên nhiều hành khách vẫn tỏ ra băn khoăn, lúng túng. Theo ngành Đường sắt, điểm khác biệt giữa vé giấy truyền thống trước đây và vé điện tử là vé giấy kiêm hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), còn vé điện tử không phải là hóa đơn GTGT. Vé điện tử sau khi mua sẽ được lưu trên hệ thống, hành khách sẽ nhận được Thẻ lên tàu hỏa. Hóa đơn điện tử cũng sẽ được khởi tạo và lưu trên hệ thống khi hành hành mua vé để làm cơ sở dữ liệu tài chính nhưng hành khách sẽ khó thanh toán vì không đầy đủ thông tin như pháp luật về tài chính quy định.
Vì vậy, nếu khách có nhu cầu lấy hóa đơn để thanh toán, cần nhập thông tin đầy đủ theo yêu cầu của hệ thống khi mua vé, thanh toán online cũng như khi đặt chỗ hoặc cung cấp ngay cho thư ký bán vé khi mua tại cửa vé để hệ thống khởi tạo hóa đơn và lưu trên hệ thống. Hành khách có thể tra cứu bằng cách nhập “mã vé” ghi trên Thẻ lên tàu hỏa và in hóa đơn tại website hóa đơn điện tử. “Trường hợp mua vé tại ga, nếu hành khách quên mã số thuế hoặc thông tin cần thiết khác để khởi tạo hóa đơn, có thể đề nghị thư ký bán vé lưu lại, rồi cung cấp sau, trong một khoảng thời gian quy định”, ông Hoạch cho biết thêm.