Ông Huỳnh Cường - Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội cho biết, xí nghiệp rất nghiêm túc trong thực hiện “4 xin - 4 luôn”. Tất cả các nhân viên, nhất là bộ phận trực tiếp phục vụ hành khách trên tàu luôn phải quán triệt tinh thần này. Ai vi phạm và có phản ánh từ phía hành khách về hành vi vi phạm của nhân viên, đều bị xử lý nghiêm khắc.
Tôi thấy vị giám đốc nói rất đúng, không phải chỉ qua lời nói mà bằng cả những hành động cụ thể. Không phải đến bây giờ, mà từ trước đây nhiều năm, nhiều nhân viên phục vụ trên tàu đã bị kỷ luật, hạ bậc lương, chuyển đổi công việc từ nhân viên phục vụ xuống lau dọn vệ sinh hoặc rửa tàu. Ngay như năm ngoái, chỉ vì cái điều hòa trên toa tàu chưa đủ lạnh trong khoảng hai tiếng, hành khách đi tàu gọi điện vào “đường dây nóng” của xí nghiệp để phản ánh, nên cả tổ tàu bị kỷ luật, hạ bậc lương.
Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội quản lý toàn bộ các đoàn tàu phía Bắc và khoảng một nửa đoàn tàu chạy phía Nam, với khoảng 2.000 cán bộ, công nhân viên. Trong đó, phần lớn là nhân viên phục vụ trực tiếp trên tàu, từ nhân viên vệ sinh, thợ điện, an ninh... thường xuyên tiếp xúc với hành khách. Vì thế, nếu không nghiêm khắc, chất lượng phục vụ chắc chắn không đảm bảo, gây nhiều phản ứng từ phía hành khách.
Ông Cường cho biết thêm, từ khi có phong trào “4 xin - 4 luôn”, các tổ tàu đã ý thức hơn trong công tác phục vụ, từ cách đưa cho hành khách một gói mỳ tôm, đến cách chỉ dẫn hành khách sử dụng những thiết bị trên tàu đều dần được chuẩn hóa. Xí nghiệp cũng nhận được nhiều phản ánh từ phía hành khách, trong đó, những phản ánh tích cực đã nhiều hơn. Nhiều hành khách đã viết thư động viên anh em đường sắt cố gắng. Thậm chí có nhiều hành khách nước ngoài đã gửi thư cảm ơn tổ tàu vì sự giúp đỡ nhiệt tình và một chuyến đi thú vị trên tàu hỏa.
“Đây là những sự động viên rất đáng quý của hành khách, khiến anh em tổ tàu cố gắng hơn trong công việc” - ông Cường bày tỏ.
Nghe ông Cường kể chuyện, tôi chợt nhớ lần tháng 4 vừa qua có nhận được một bức thư từ Tây Ban Nha gửi cho xí nghiệp. Bức thư của cô Sara gửi từ đảo Canary, được viết bằng tiếng Anh. Sara kể đã để quên chiếc máy ảnh trên chuyến tàu hỏa từ Đà Nẵng ra Ninh Bình. Chiếc máy ảnh lưu giữ toàn bộ kỷ niệm về chuyến đi của gia đình cô ở Đông Nam Á và Việt Nam. Cả gia đình cô đã nghĩ sẽ không bao giờ tìm thấy chiếc máy ảnh đó nữa, nhưng thật bất ngờ, những nhân viên phục vụ trên chuyến tàu hôm ấy đã tìm và gửi lại chiếc máy ảnh cho gia đình cô.
Để thay đổi hành vi của một con người không thể chỉ trong một sớm một chiều, nhưng từ những hành động đẹp, dù nhỏ cũng, thể hiện thái độ chuẩn mực trong giao tiếp thì tôi tin sẽ có nhiều hành khách với những chuyến tàu trên.